[tintuc] Giá bán lẻ dâu tây Đà Lạt chính vụ tại Hà Nội dao động lớn, từ 100.000 đến 400.000 đồng/kg. Hầu hết nhà vườn và chủ buôn đều khẳng định không có hàng Trung Quốc.
Từ giữa tháng 12/2014 tới khoảng tháng 2 - tháng 3/2015 là mùa dâu tây vào chính vụ. Tại thị trường Hà Nội, giá bán lẻ dâu Tây Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La) đang có mức dao động rất lớn, 100.000-400.000 đồng/kg khiến không ít người tiêu dùng lo ngại dâu tây giá rẻ là hàng Trung Quốc trà trộn.
Giải thích cho sự chênh giá khiến nhiều người tiêu dùng thấy "bất thường" này, nhiều chủ buôn cho biết, giá bán lẻ dâu tây phụ thuộc vào giống dâu, phương pháp canh tác và chất lượng hàng chứ không phải xuất xứ là hàng nội địa hay Trung Quốc.
Theo nhiều chủ buôn dâu và nhà vườn, giá dâu tây bán lẻ dao động lớn phụ thuộc vào giống, phương pháp canh tác và chất lượng dâu. Ảnh: Bích Nguyễn. |
Dâu tây Mỹ trồng chủ yếu dưới đất, canh tác đơn giản, sản lượng cao, thu hoạch theo mùa và vận chuyển dễ dàng hiện có giá bán tại vườn 65.000-75.000 đồng/kg loại đẹp. Những quả dâu bị rám, lỗi có giá bán rất rẻ, chỉ hơn 20.000 đồng/kg, được sử dụng chủ yếu làm mứt hoặc sinh tố. Tại Hà Nội, dâu Mỹ hiện được bán lẻ với giá 100.000-150.000 đồng/kg.
Dâu tây Newzeland với đặc điểm cho trái quanh năm, được ứng dụng phương pháp canh tác hiện đại nên năng suất cao không thua kém dâu Mỹ đá, hương lại thơm hơn, vị ngọt đậm pha chua thanh, giòn, dễ dàng sử dụng trong chế biến nên ngày càng được nhà vườn Đà Lạt ưa chuộng. Cũng vì vậy, hiện giá dâu Newzeland tại vườn chênh khá lớn so với dâu Mỹ, 240.000-260.000 đồng/kg, giá bán lẻ loại dâu này "đi máy bay" ra Hà Nội dao động 300.000-350.000 đồng/kg. Cá biệt, một số địa chỉ bán dâu Newzeland loại hảo hạng lên tới gần 400.000 đồng/kg.
Tự nhận cũng bán dâu tây Đà Lạt với giá cao hơn thị trường ngay từ đầu mùa, chị Bích giải thích, dâu Newzeland Đà Lạt được vun trồng theo phương pháp thủy canh và bán thủy canh, canh tác phức tạp hơn các giống khác nên giá nhập cũng cao hơn, cộng thêm chi phí bảo quản và vận chuyển máy bay ra Hà Nội nên giá bán khá đắt. Dâu tây thượng hạng quả to (50-60 quả/kg), tròn đều và đều màu được shop này bán ra với giá 389.000 đồng/kg.
"Ngoài dâu Newzeland, hiện ở Đà Lạt còn có 2 vườn trồng dâu Pháp chất lượng vượt trội và vị ngọt đậm hợp khẩu vị người Việt. Nhưng do khó vận chuyển nên chưa có tại thị trường Hà Nội. Nếu được bán ở Hà Nội, giá dâu Pháp thậm chí còn cao hơn nhiều", chị Bích cho hay.
So sánh dâu tây Đà Lạt với dâu tây Trung Quốc. Ảnh: Chi Cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng. |
Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi gia đình, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn để vẫn được thưởng thức dâu tây Đà Lạt tươi ngon vào chính vụ. Đặc biệt, trái với lo lắng của nhiều dân thủ đô về hàng Trung Quốc giá rẻ trà trộn trên thị trường, theo khẳng định của nhiều nhà vườn và chủ buôn hoa quả, hiện thị trường không có chỗ cho dâu Trung Quốc.
Chị Lê Lan, một chủ buôn hoa quả tại Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, trên thực tế, việc phân biệt dâu tây Trung Quốc và dâu tây Đà Lạt rất đơn giản. Chỉ cần dựa vào màu sắc bên ngoài quả dâu, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra dâu Trung Quốc ở màu đỏ bầm, sắc lá kém tươi, khác với dâu tây Đà Lạt thường có màu đỏ tươi ở phần chóp và ngả trắng dần về cuống, lá tươi nguyên.
"Vào chính vụ, trung bình một vườn dâu tây rộng 2 ha tại Đà Lạt cho sản lượng khoảng 2 tấn/tháng, nghịch vụ cũng gần 1 tấn/tháng. Một khi dâu đã vào vụ, với giá bán lẻ nhiều mức phù hợp với mọi túi tiền của khách thì chắc chắn không có chỗ cho hàng Trung Quốc hay ngoại nhập. Huống hồ dâu tây tươi Đà Lạt rất dễ nhận diện", chị Nguyễn Thị Bích chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hồng Nhung, chủ vườn dâu tây rộng hơn 2 sào tại Xuân Thọ (Đà Lạt, Lâm Đồng) thường xuyên xuất buôn dâu Mỹ cho nhiều mối tại Hà Nội, TP.HCM và Đã Nẵng. Dù chỉ trồng và bán dâu Mỹ đá, song theo chị Nhung, nếu canh tác tốt, chịu khó chăm bón và thu hoạch vào thời điểm thích hợp, loại dâu này ăn ngon không kém dâu Newzeland mà giá chỉ rẻ bằng 1/3-1/4.
Dâu tây Đà Lạt tươi nguyên cuống được một shop chuẩn bị giao tới tay khách hàng với giá 140.000 đồng/kg. Ảnh: Hồng Hạnh |